Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

NGƯ DÂN XÃ AN HẢI

Vì sao tàu cá tặng ngư dân Lý Sơn còn nằm ì?

Vũ Đình Thung   -Thứ Tư, 08/01/2014, 10:23 (GMT+7)
Cuối tháng 10/2012, Qũy Tấm lòng vàng Báo Người lao động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi tổ chức trao tặng chiếc tàu cá có vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng cho Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải (Lý Sơn). Con tàu này là kết quả của cuộc vận động “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động VN phát động.
Tuy nhiên, đã hơn 2 tháng trôi qua, chiếc tàu cá nói trên vẫn còn “bị cột” tại vũng neo đậu xã An Hải, chưa thể ra khơi vì nguyên nhân: Khoản tiền mà Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải buộc người nhận tàu phải đóng vào quỹ của Nghiệp đoàn hằng năm quá lớn, vượt quá khả năng hoạt động của con tàu nên người được nhận tàu không dám nhận.
Theo ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, chiếc tàu này sẽ được chuyển giao cho một thành viên của Nghiệp đoàn là ngư dân Nguyễn Thanh Lâm (SN 1975) ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn) bảo quản, sử dụng khai thác; đồng thời có nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi ngư dân địa phương gặp nạn trên biển.
Ngư dân Nguyễn Thanh Lâm cho biết: “Sở dĩ, Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải xét chọn, giao cho tôi chiếc tàu cá nói trên là vì chỉ trong một năm (2010) mà tôi bị gặp nạn trên biển đến 2 lần, toàn bộ tài sản mất trắng theo 2 chiếc tàu. Nghiệp đoàn giao cho tôi quản lý, sử dụng chiếc tàu cũng là cách chia sẻ khó khăn với ngư dân gặp rủi ro nhiều trên biển”.
Chiếc tàu trao tặng cho Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải hiện vẫn nằm bờ
Vào ngày mùng 2 tháng 5 (ÂL) năm 2010, chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 96193 TS có công suất 170 CV của anh Lâm sau khi đã đánh bắt đầy cá, đang trên đường chạy về Lý Sơn. Khi đi ngang cách đảo Tri Tôn chừng 30 - 40 hải lý thì bất ngờ bị 1 chiếc tàu lạ đâm thủng thân tàu. "Tính cả tiền đóng tàu và sản phẩm đánh bắt được bị chìm mất, chúng tôi mất đứt 1,8 tỷ đồng”, anh Lâm cho biết.
Sau lần tai nạn ấy, anh Lâm tiếp tục vay tiền của chủ nậu và bà con trong gia đình mua chiếc tàu QNg 96311 TS có công suất 420 CV, tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng. Họa vô đơn chí, mới đi được 2 chuyến biển thì chuyến thứ 3 bị gặp bão. Từ vùng biển Việt Nam, chiếc tàu bị gió đẩy trôi dạt xuống dưới, lọt vào lãnh hải của Malaysia. Chiếc tàu và toàn bộ sản phẩm đánh bắt được bị tịch thu tất.
Sau 2 lần gặp nạn, anh Lâm trở nên trắng tay. Gia đình chỉ có mấy sào đất, vợ anh hết trồng tỏi xoay qua trồng hành cũng không đủ nuôi 3 đứa con ăn học. Không còn tiền sắm tàu mới, anh Lâm đành đi bạn cho tàu khác kiếm tiền mua gạo nuôi con.
Đến khi khởi động đóng chiếc tàu cá nghĩa tình do Liên đoàn Lao động VN trao tặng, vì được Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải xét chọn giao sử dụng khai thác nên từ tháng 12/2012 đến nay, anh Nguyễn Thanh Lâm bỏ hết mọi công việc, lên bờ đi theo chuyện đóng tàu. Mấy tháng nay đã không làm ra tiền, lại tốn cho phí đi về Lý Sơn - Cổ Lũy, thế nhưng bây giờ anh Lâm mới “bật ngửa” vì hiểu rằng mình không thể nhận và sử dụng con tàu.
Anh Lâm bức xúc: “Cứ ngỡ sau khi mình được giao sử dụng con tàu, mỗi năm chỉ đóng vào quỹ của Nghiệp đoàn một khoản tiền vừa phải, anh em thuyền viên vẫn còn tiền để chia nhau lo cho cuộc sống. Nào ngờ khi Nghiệp đoàn “phán”, trước khi sử dụng con tàu tôi phải đóng cược 1 lần 200 triệu đồng. Sau đó, mỗi năm phải đóng cho Nghiệp đoàn 300 triệu đồng, chia thành 2 lần, 6 tháng đóng 1 lần 150 triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản đóng bảo hiểm thân tàu 40 triệu đồng/năm và làm nước tàu 2 lần/năm hết 60 triệu đồng nữa. Tôi đang trong cảnh trắng tay, lấy đâu ra đóng tiền cược. Còn khoản đóng cho Nghiệp đoàn mỗi năm 300 triệu đồng cũng bó tay, bởi thu nhập mỗi chuyến biển chẳng có bao nhiêu”.
Theo tính toán của anh Lâm, với nghề lặn, chuyến biển nào trúng lắm cũng chỉ thu nhập được khoảng 450 triệu đồng. Sau khi trừ 300 triệu đồng tiền phí tổn, 150 triệu đồng còn lại sẽ được chia thành 37 phần cho 18 thuyền viên. Mức lương mỗi thuyền viên được nhận tùy theo tính chất công việc, người làm việc nặng và nguy hiểm (thợ lặn) thì được nhận nhiều phần hơn người làm công việc trên boong. Do đó, anh em thuyền viên thu nhập chẳng đáng là bao. Đã vậy, bây giờ phải chịu mức đóng hằng năm 300 triệu đồng, anh Lâm kham không nổi nên không nhận tàu.
“Sau 1 thời gian cù cưa, Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải “hạ” mức đóng xuống còn 200 triệu đồng/năm nhưng tôi vẫn không dám nhận, vì biển giả bây giờ làm ăn đâu có dễ, nhận kiểu đó không khéo đã không đỡ khổ mà còn mang nợ. Không thể làm ăn với con tàu này, tôi lại phải đi làm thuê cho các tàu khác trong địa phương để kiếm gạo nuôi con chứ biết làm sao”, anh Lâm nói buồn.
Qua làm việc với Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải (Lý Sơn), chúng tôi được ông Nguyễn Quốc Chinh cho biết: “Chiếc tàu này được trao tặng cho Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải có nghĩa là món quà chung của 687 thành viên chứ không phải của riêng ai. Về khoản phí đóng vào Nghiệp đoàn hằng năm chúng tôi sẽ sung vào quỹ. Khi nào tàu cá của thành viên trong Nghiệp đoàn bị nạn khi đang đánh bắt trên các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thì chúng tôi sẽ trích quỹ này ra để hỗ trợ”.
“Mức đóng vào quỹ của Nghiệp đoàn 200 triệu đồng/năm là mức đưa ra để phấn đấu, để bên nhận tàu cân nhắc. Chúng tôi sẽ tiếp tục bàn bạc với bên nhận tàu để đi đến thỏa thuận nhằm nhanh chóng đưa con tàu đi vào hoạt động”, ông Nguyễn Quốc Chinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét